Hôm nay, tôi vô tình xem lại thông tin của một cậu học trò "nhí" mà tôi đã từng dạy.
Qua số điện thoại tôi dễ dàng tìm ra facebook của phụ huynh.
Chỉ qua vài tấm ảnh, tôi nhận ra học trò mình và vô cùng ngưỡng mộ gia đình cậu ấy. Một gia đình hạnh phúc và luôn đầy ắp tiếp cười.
Tôi bắt đầu tiếp nhận lớp của Minh Đức từ một giáo viên khác không quen dạy chuyên sâu.
Ngay buổi học đầu tiên, tôi nói với Minh Đức:
Thầy sẽ giúp con học tốt môn Toán. Nếu trên lớp, trên trường hay bất cứ ở nơi đâu con học có vấn đề gì không hiểu, con có thể hỏi thầy. Các môn học khác (ngoại trừ Tiếng Anh) cũng như vậy nhé!
Học với thầy, mỗi khi suy nghĩ về một bài toán, con có thể tự do đi lại trong lớp. Khi nghĩ ra con có thể tự lên bảng viết ra những gì con nghĩ, thầy sẽ theo dõi và định hướng để con hoàn thiện bài giải.
Nếu con đã làm ra đáp số, hãy lên bảng giảng giải lại và coi như thầy là học sinh nhé!
Những buổi học cứ thế trôi qua, Minh Đức là một đứa trẻ có tính tự lập rất cao. Chỉ mới lớp 7 thôi, nhưng cậu vẫn đạp xe đến 5km mỗi sớm để đến lớp.
Tôi nhớ có những hôm trời rất lạnh, không kịp ăn sáng, cậu ấy chỉ cầm một chiếc bánh mì que ăn vội trước khi vào lớp.
Trong chiếc balô của cậu ấy đựng rất nhiều quần áo, tôi ngạc nhiên và hỏi ra mới biết cậu mang quần áo để đi học cả ngày.
Những lúc tôi giảng đến đoạn khó, cậu ý không hiểu trông nét mặt thật buồn cười...
Thấy Minh Đức thông minh và học Toán tốt (vì tôi toàn thấy cậu ấy nói với tôi những điểm số cao mỗi lần thi xong môn Toán), tôi hỏi Minh Đức:
Trong lớp con xếp thứ mấy về môn Toán? Cậu ý trả lời: Dạ! Thưa thầy con không biết ạ (nghĩa là cậu ý không quan tâm mình đứng đầu hay đứng cuối)
Tôi tiếp lời, con học chuyên Toán phải không?
Cậu ta đáp: Dạ không, con học chuyên Anh ạ.
Con có muốn đi thi HSG Toán không? Dạ! Con không biết, con chưa bao giờ đi thi ạ
Tôi khá có duyên với cậu học trò này...Có một lần xong buổi dạy tôi phóng xe máy rất nhanh, đúng lúc đó Minh Đức đang sang đường bất ngờ.
Rất may chưa có chuyện gì xảy ra.
Một lần nữa trong một lần đi trông thi, tôi làm giám thị hành lang tôi cũng gặp cậu trong một phòng thi, cậu ấy cũng rất lễ phép chào thầy.
Đây là cậu học trò ngoan nhất, giỏi nhất mà tôi từng dạy lứa tuổi này.
Sau này vì một số lý do, tôi không tiếp tục dạy Minh Đức nữa và cậu cũng nghỉ học chỗ đó luôn.
Ngày thầy trò chia tay...Mẹ em ấy chuẩn bị cho tôi một hộp cherry tặng tôi. Tôi chưa từng biết loại quả này và giá cả của nó bao nhiêu.
Lúc đem lên cơ quan chia cho mọi người, tôi mới biết nó cũng khá đắt và rất ngon. Nhưng tôi thấy đó vẫn chưa phải là món quà lớn nhất.
Mà món quà lớn nhất chính là gia đình họ đã sinh ra một đứa con như thế để tôi được dạy. Ở Minh Đức, tôi thấy được niềm đam mê học tập và tự học rất nhiều. Cậu ấy không quá bận tâm đến các kỳ thi, đến điểm số, mình đứng ở đâu trong lớp...Đơn giản là học thấy hay hay.
Gia đình cậu ấy hiện tại có 5 thành viên, cậu ý có đến 2 cậu em trai...Cậu em út mới sinh (có lẽ bằng tháng tuổi thằng ku nhà tôi) tên là Sò, còn cậu em kế là Tép và học trò tôi thường gọi là Tôm...Gia đình nhà Tôm Tép Sò thật tuyệt vời!
Mẹ cậu kinh doanh, buôn bán hoa quả ở chợ cóc gần nhà. Bố cậu là một kiến trúc sư đam mê chụp ảnh.
Vào mỗi ngày cuối tuần, các anh em cậu ấy được bố mẹ đưa về tận quê Bắc Ninh chơi...Cậu ấy cũng ra đồng, cũng đi cấy và đi gặt ngày mùa.
Những bức ảnh của gia đình họ rất tuyệt vời...Họ như đang ra đồng để đi du lịch và hưởng thụ cuộc sống.
Truyền thống của gia đình họ là cứ mỗi khi có một thành viên mới là họ lại cởi trần, chồng xếp lên nhau như xếp gạch và bố luôn là viên gạch nền móng cho những đứa con sau này.
Một điều kỳ lạ là bố mẹ giáo dục các con rất tốt! Họ cho các con tập lao động từ bé, từ những việc nhỏ như nhặt rau, quét nhà, rửa bát và thậm chí là pha sữa cho cậu em út. Giáo dục trẻ biết lao động - Tôi hiếm khi bắt gặp ở các gia đình ở Hà Thành.
Tôi cũng là người có gia đình, quả thực thấy một gia đình thế này, ai ai cũng rất thèm muốn. Đôi khi chúng ta quá bận rộn vào việc làm kinh tế, vào việc tụ tập bạn bè hay quan tâm đến con cái nhưng luôn tạo ra áp lực nặng nề cho con trong việc học, khiến cho việc giáo dục phản tác dụng. Thời hiện đại, chúng ta không giáo dục bằng roi vọt bằng kỷ luật cứng rắn như xa xưa nữa, tôi cũng không chắc phải giáo dục thể nào để hợp thời đại. Nhưng ở gia đình này, tôi thấy được điều gì đó ở cách giáo dục này. Gia đình giáo dục con cái tốt, đương nhiên hệ thống trường học cũng tiếp nhận những con người tốt và xã hội cũng tốt lên nhiều. Tôi quả là may mắn, tôi muốn chia sẻ may mắn này cho tất cả những cậu học sinh lứa tuổi học trò, cho các bậc cha mẹ có con bước vào THCS và cho chính những thầy cô đang giảng dạy học sinh. Hy vọng sẽ nhiều điều tốt đẹp hơn trong tương lai!
------Cứ mỗi giáo viên tha hóa biến chất thì đâu đó vẫn có những con người tận tâm tận lực và hết lòng vì học sinh------==============Bị chối bỏ, Tôi quyết tâm trở thành người thầy mà tôi chưa bao giờ có được!==============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét