Trước khi nói về một cái DỞ, tôi mời các bạn "thưởng thức" lá thư của vị Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội. Có lẽ quý vị cũng đoán ra vị này là ai rồi phải không? Ông thường xuất hiện mỗi khi báo chí cần ông cho ý kiến về một chính xác đổi mới trong Giáo Dục nào đó. Và...Đó là người thầy của thầy tôi - Giáo sư Văn Như Cương...
Lá thư rất hay nhưng có phần giống version "Xin thầy hãy dạy con tôi..." của Tổng Thống Mỹ A.Lincoln gửi thầy Hiệu trưởng nơi con trai ông theo học.
Gọi là 6 cái HAY nhưng tiềm ẩn trong mỗi cái HAY vẫn ẩn chứa mục đích lầm thương hiệu của Giáo sư...
Lá thư gửi các bậc cha mẹ học sinh trường Lương Thế Vinh có nội dung như sau:
"Nhân dịp đầu năm học mới, tôi xin gửi lời chào mừng tới các bậc cha mẹ học sinh trường Lương Thế Vinh. Tôi chân thành chúc các vị cùng gia đình mọi sự tốt đẹp, hạnh phúc.
Một trong những nhân tố làm nên thương hiệu Lương Thế Vinh là sự ủng hộ của các bậc phụ huynh về đường lối giáo dục nhà trường. Nhân dịp năm học mới, với tư cách Hiệu trưởng nhà trường, tôi xin gửi tới các vị phụ huynh đôi dòng tâm sự về việc dạy dỗ con em chúng ta.
1) Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ…, họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người. Một số vị khác thì ngược lại, luôn luôn buồn bực vì con, chì chiết thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vất đi, khó dạy khó bảo, rồi chẳng làm nên cơm cháo gì…
Mỗi đưa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó.
Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta.
2) Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn “được voi, đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Có thể các vị không thiếu tiền, nhưng ở đây là vấn đề giáo dục, nên có thể thừa tiền vẫn không cho. Trẻ em càng đươc nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ. Trước hết chúng phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là một động lực để thúc đẩy các con ra sức học hành.
Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém.
3) Xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kì việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử”. Con muốn giúp mẹ làm bếp thì “thôi con đi học bài đi, mẹ làm tí xong ngay”, ăn cơm xong thì “con nghỉ một lúc rồi học bài nhé, để mẹ rửa bát cho”.
Thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như: quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tuới cây nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa… Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi khinh những người lao động. Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rút ra một nhận định: Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công.
4) Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đăng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm … chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận,,, và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên.
5) Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quang mình, đang diễn ra hàng ngày…, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng. Trong tình hình hiện nay các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta… Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thể giới ảo.
6) Về việc học tập của con em, trường LTV chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ. Nhà trường bố trí và sắp xếp kế hoạch thực hiện chương trình đủ để học sinh không phải học thêm. Việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh: tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi… Học sinh Lương Thế Vinh được tuyển chọn một cách chu đáo, các em đều có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi hoặc khá. Học sinh như vậy, với đội ngũ thầy giáo có kinh nghiệm và với chương trình sắp xếp hợp lý …, chúng tôi tin rằng việc học thêm là không cần thiết.
Trên đây là một số ý kiến tâm sự muốn ngỏ cùng các vị của một người thầy giáo già luôn luôn cảm thấy hạnh phúc khi học trò của mình thành đạt.
Tôi chúc các vị và gia đình hạnh phúc!"
Văn Như Cương.
Có một cái DỞ mà tôi đã nghe từ rất lâu về ngôi trường này mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn rằng:
"Bạn là một giáo viên, bạn hãy học các tự hào rằng: Mình đã dạy một học sinh yếu kém thành một học sinh khá. Thay vì bạn đi tự hào về một điều mà bạn hoàn toàn có thể tính toán được tỉ lệ thành công là một con số lớn rằng: Mình đã dạy một học sinh khá, giỏi thành một học sinh rất giỏi".
Học sinh kém là học sinh chậm trong tư duy giải quyết vấn đề và đặc biệt các em ý chưa có hứng thú để giải quyết vấn đề đó...Tạo hứng thú cho học sinh yếu kém, dìu dắt các em ấy từ những điều rất nhỏ...Đó mới là cái mà mà Giáo sư hướng đến để tự hào.
Tôi trích dẫn lá thư và có ý kiến như thế này để mọi người và Giáo Sư thấy được rằng xã hội còn rất cần những người có kiến thức và kĩ năng Sư phạm, hiểu được tâm lí lứa tuổi học sinh để truyền cho các em ngọn lửa đam mê, hứng thú trong mỗi môn học, để từ đó có những bước tiến xa hơn. Còn những điều Giáo sư viết trên đây tôi cũng hoàn toàn đồng ý vì nó sẽ thức tỉnh nhiều bậc phụ huynh lắm đấy!
Nhưng tôi lại nghĩ những điều này tất cả các vị Hiệu trưởng, thầy cô đều muốn thế...
Quả đúng là: Không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét